Nghề nuôi chim yến trong nhà hình thành và phát triển ở Việt Nam từ năm 2004 với nhà yến đầu tiên được xây dựng tại Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh), nhà thứ hai tại Phan Rang – Tháp Chàm (Ninh Thuận). Sau khoảng 15 năm phát triển, đến nay, nghề nuôi chim yến lấy tổ với mục đích thương mại đã phát triển mạnh mẽ từ phía nam đèo Hải Vân đến tận cực Nam của đất nước với 42 tỉnh, thành hình thành và phát triển nghề nuôi chim yến trong nhà với tổng số hơn 8.540 nhà yến, tập trung khá nhiều tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Đông Nam Bộ và duyên hải miền Trung.
Tính đến cuối năm 2018, sản lượng yến sào của cả nước đạt khoảng 63,4 tấn và khoảng 4,5 tấn yến sào khai thác được từ các đàn chim yến sống trên các đảo tự nhiên. Đặc biệt, với bờ biển dài trên 3.440km (kể cả các đảo), có gần 4.000 hòn đảo và nhiều dãy núi nhô ra biển hình thành các eo vịnh, đầm phá Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển quần thể chim yến hàng (là loài chim phân bố ở vùng Đông Nam Á, cho tổ yến có chất lượng cao hàng đầu thế giới, chúng thường làm tổ trong các hang, ngách, nẻ vách núi đá cheo leo vùng ven biển hoặc các đảo).
* Phú Yên đang phát triển nghề nuôi chim yến, vậy ông đánh giá như thế nào về tiềm năng phát triển nghề này tại địa phương?
– Những thuận lợi đầu tiên để phát triển nghề nuôi chim yến là Phú Yên có nền nhiệt trung bình cao, độ ẩm không khí khoảng 80%. Phú Yên còn có đường bờ biển dài gần 200km, nhiều vùng đồng bằng rộng lớn với nguồn côn trùng bay dồi dào, là một trong những địa phương nằm trên đường chim bay… Đồng thời, địa phương cũng đã nghiên cứu, lập quy hoạch cụ thể các vùng, làng nghề nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh; thành lập Hiệp hội Yến sào tỉnh để hỗ trợ cho người nuôi chim yến về các quy định của Nhà nước, kỹ thuật dẫn dụ, nuôi và quản lý đàn chim yến hiệu quả… Đây là những điều kiện để phát triển nghề nuôi chim yến tại địa phương.
Ngoài ra, hiện nay trên cả nước, nhiều công trình nghiên cứu khoa học như quy trình kỹ thuật ấp nở chim yến nhân tạo, dẫn dụ chim yến, kỹ thuật xây nhà nuôi yến… ngày càng hoàn thiện sẽ hỗ trợ tốt cho người nuôi.
* Trong điều kiện biến đổi khí hậu cộng với tốc độ đô thị hóa khá nhanh như hiện nay sẽ gây những ảnh hưởng gì đến đàn chim yến, thưa ông?
– Theo các nghiên cứu thì chim yến là một trong nhóm loài sinh vật dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu. Trong khi đó, nước ta là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu toàn cầu, vấn đề này cũng đã có nhiều tác động lên đàn chim yến.
Qua theo dõi, trong thời gian gần đây do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cũng như sự phát triển ồ ạt của các khu đô thị, công nghiệp nên diện tích đất sản xuất nông nghiệp, rừng tự nhiên giảm khiến quần thể côn trùng bay – nguồn thức ăn chính của chim yến ở vùng Đông Nam Bộ và duyên hải miền Trung giảm theo. Điều này khiến đàn yến ở các khu vực này đang dần đi tìm nguồn thức ăn mới và đã tìm đến các khu vực ở cao nguyên. Qua theo dõi, hiện đàn yến đang di chuyển về các huyện miền núi của các tỉnh Bình Phước, Lâm Đồng, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai. Ngoài ra, khi nguồn thức ăn giảm, năng lượng tích lũy của chim giảm khiến tốc độ sinh trưởng, thành thục của chim yến giảm, kéo theo sản lượng cho tổ cũng sẽ giảm.
* Ông có lời khuyên gì để những người nuôi chim yến tại Phú Yên đạt được hiệu quả?
– Với những điều kiện tự nhiên sẵn có, Phú Yên khá thuận lợi để phát triển nghề nuôi chim yến trong nhà. Tuy nhiên để có thể đạt được hiệu quả thì bà con phải khảo sát kỹ để tìm được nơi thích hợp xây dựng nhà yến bởi vị trí xây dựng nhà yến quyết định đến 50% sự thành công. Cụ thể, địa điểm xây dựng nhà yến phải phù hợp với quy hoạch, là nơi thường xuyên có chim yến bay qua, tức là vị trí nhà yến phải nằm trên đường bay của chim yến và nơi đó phải gần nguồn nước.
Đặc biệt nên tránh xa những khu vực dân cư đông đúc, nhà cửa san sát hay các khu vực bị ô nhiễm môi trường cao, nhiều khu công nghiệp, xe cộ ra vào đông đúc, quá ồn ào vì sẽ rất khó dụ chim và làm ảnh hưởng đến chất lượng tổ yến. Đồng thời, bà con cũng cần phải chọn hướng nhà nuôi yến tránh ánh nắng chiếu trực tiếp vào hai bên hông nhà để giảm sự hấp thu nhiệt, các lỗ thu chim phải đối diện với hướng đàn chim bay. Khi xây dựng nhà yến cần lắp đặt thêm các thiết bị hỗ trợ dẫn dụ chim, máy tạo độ ẩm, điều chỉnh nhiệt độ… của nhà yến.
Trong quá trình nuôi, bà con phải chăm sóc thường xuyên, theo dõi, loại bỏ các loài địch hại ra khỏi nhà yến như chim cú, chuột, gián, thằn lằn…; tạo môi trường nhà yến giống như các hang đảo với nhiệt độ nhà nuôi từ 28-32 độ, độ ẩm khoảng 80-85% và có luồng khí luân chuyển trong nhà yến. Cùng với đó, bà con cần vệ sinh nhà nuôi yến 1 lần/tháng khi đàn yến còn ít và vệ sinh từ 2-3 lần/tháng khi đàn yến ở đông hơn để môi trường nuôi được đảm bảo, không xảy ra dịch bệnh.
Nguồn: copy