Hội thảo nằm trong khuôn khổ các sự kiện Festival Biển Nha Trang-Khánh Hòa 2019. Hội thảo bên cạnh việc thu thập thông tin về phát triển bền vững nghề nuôi chim yến tại Việt Nam, các đại biểu còn cùng xây dựng chiến lược phát triển nghề nuôi chim yến tới năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030.
Ông Lê Hữu Hoàng, Chủ tịch HĐTV Công ty Yến sào Khánh Hòa cho biết, chim yến hàng (Aerodramus fuciphagus) là loài chim phân bố ở vùng Đông Nam Á, trong đó phân loài Aerodramus fuciphagus Germani là phân loài đặc hữu phân bố chủ yếu tại các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ. Trong đó, Khánh Hòa là tỉnh tập trung số lượng quần thể chim yến đảo phát triển ổn định và lớn nhất Châu Á. Đây là phân loài chim yến đảo cho tổ có chất lượng cao hàng đầu thế giới.
Theo ông Hoàng, từ năm 2004 trở lại đây, chim yến đã vào sinh sống làm tổ trong nhà ở hầu hết các tỉnh từ Hải Phòng đến Cà Mau, Phú Quốc – Kiên Giang và các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên như Bình Phước, Đăk Lăk, Gia Lai.
Chim yến nhà ngày càng phân bố rộng khắp các địa phương trong cả nước. Việc nuôi chim yến trong nhà cũng như hiệu quả của việc dùng yến sào ngày càng được nhiều người biết đến. Lượng nhà nuôi chim yến được xây dựng bùng phát tại các địa phương.
Đại diện Cục Chăn nuôi cho biết hiện nay cả nước có 42/63 tỉnh có nuôi chim yến, khoảng 8.548 nhà yến, tập trung nhiều nhất là các tỉnh ĐBSCL, tiếp đến là Đông Nam Bộ và Duyên hải miền Trung, ước tính lượng chim yến hơn 9,9 triệu con, với sản lượng 63.400 kg.
Thực tế tiềm năng phát triển nghề nuôi chim yến của nước ta rất lớn. Bởi lợi thế về tự nhiên, khả năng về kỹ thuật cần khai thác tốt nhất để phát triển nghề nuôi chim yến, mang lại hiệu quả kinh tế cho các địa phương. Tuy nhiên không phải địa phương nào, vùng nào cũng có thể phát triển nghề nuôi chim yến.
Do đó, các đại biểu cho rằng, để phát triển nghề nuôi chim yến cần có quy hoạch các vùng trong nước, đồng thời có giải pháp đồng bộ về quản lý, sự phối hợp và thống nhất, để có thể phát triển bền vững nghề nuôi chim yến tại Việt Nam.
Các đại biểu cũng đề xuất các Bộ, ngành cho phép xây dựng các quy trình kỹ thuật nuôi chim yến, quy trình sơ chế, bảo quản sản phẩm đảm bảo an toàn sinh học, các quy chuẩn và tiêu chuẩn có liên quan. Xây dựng đề án, đề tài nghiên cứu khoa học để nghiên cứu và chuyển giao các tiến bộ khoa học, công nghệ về dẫn dụ, gây nuôi và khai thác, chế biến tổ yến đạt hiệu quả, ATTP và phòng chống dịch bệnh.
Bên cạnh đó, kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 199/2013/NĐ-CP điều khoản xử phạt đối với những cơ sở nuôi chim yến sử dụng nhà ở để dận dụ và nuôi chim yến sai mục đích, mất an toàn dịch bệnh và an toàn sinh học.
Được biết, năm 2018 sản lượng tổ yến của Việt Nam khoảng 68 tấn. Thị trường nhập khẩu chính là Hồng Kông, Trung Quốc và cộng đồng người Hoa ở các nước Mỹ, Australia, New Zealand.
Nguồn: copy